Knol Stuff

Knowledge is Power!

Chết Và Tái Sinh

Information

Chết Và Tái Sinh

Nam Mô A Di Đà Phật

Website: http://phattuvietnam.net
Members: 2
Latest Activity: May 30, 2010

Girl xinh

Discussion Forum

This group does not have any discussions yet.

Comment Wall

Comment

You need to be a member of Chết Và Tái Sinh to add comments!

Comment by Minh PQ on May 30, 2010 at 8:22am
Theo quan điểm của Phật giáo, đời sống của một con người chỉ hoàn toàn chấm dứt khi toàn thân lạnh hết. Lúc đó là thời điểm mà thần thức rời khỏi thể xác, giai đoạn này mới được tính là chết. Nếu khi người bịnh vừa mới chấm dứt hơi thở, nhịp tim vừa ngưng đập, nhưng hơi ấm xác thân vẫn còn, lúc này vẫn chưa tính là chết. Bởi thời điểm này, mọi sự cảm thọ của họ vẫn đồng như người đang còn sống, chỉ có điều họ không thể nói năng được mà thôi.

Con người từ đâu đến và chết rồi đi về đâu, luôn là một câu hỏi lớn của nhân loại từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, như trong kinh Lương hoàng sám nói: “Không biết sanh ra từ đâu đến, chết rồi đi về đâu, chỉ biết ngậm ngùi đưa nhau đến đáy huyệt, một lần chia ly là từ biệt vạn đời”. Như vậy, thần thức con người sau khi lìa khỏi xác thân đi về đâu? Quá trình thọ dụng của thần thức trước khi chưa tìm ra chỗ thọ sanh như thế nào? Tâm lý của thần thức trong giai đoạn này ra sao? Đó là những vấn đề chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu.

I. BA TRƯỜNG HỢP SAI KHÁC SAU KHI CHẾT.

Tất cả chúng sanh sau khi chết, tùy theo nghiệp lực sanh tiền tạo tác của mỗi người là thiện hay ác, mà chết rơi vào một trong ba trường hợp sau.

1. Chết với tâm lành.

Người nào sanh tiền có tín tâm với Tam bảo, tạo nhiều thiện căn công đức, khi sắp mạng chung sẽ tự nhớ nghĩ lại những công đức của mình đã tạo, hoặc do người khác làm cho nhớ lại. Người sắp chết lúc bấy giờ các thiện pháp như tín, tấn, niệm, định, tuệ sẽ hiện hành trong tâm, khiến tâm vô cùng hoan hỷ, an lạc.

Người chết với tâm lành, tâm hoan hỷ, liền thấy những cảnh tượng khả ái, cảnh tượng không rối loạn. Tâm lành, tâm hoan hỷ, khiến thân có những biểu hiện như tinh thần ổn định, sắc mặt vui vẻ, miệng mỉm cười... Nghĩa là khi người đó chết, không có những khổ thọ bức bách nơi thân. Người sắp lâm chung với tâm lành, tâm định tỉnh như thế, sẽ tái sanh về một trong các cảnh giới an lạc.

2. Chết với tâm ác.

Người nào sanh tiền phỉ báng Tam bảo, bất tín nhân quả, tạo nhiều ác nghiệp, khi sắp mạng chung sẽ tự nhớ nghĩ lại những ác nghiệp của mình đã tạo, hoặc do người khác làm cho nhớ lại. Người sắp chết lúc bấy giờ, những ác pháp như tham, sân, si, mạn, nghi sẽ hiện hành trong tâm, khiến tâm vô cùng hoảng hốt, lo âu đầy sợ hãi.

Người chết với tâm ác, tâm rối loạn, liền thấy những cảnh tượng bất như ý, cảnh tượng quái dị, cảnh tượng rối loạn, như thấy các ngạ quỷ cầm dao gậy đến đe dọa... Tâm rối loạn, khiến thân có những biểu hiện hoảng hốt, đau khổ như sắc diện bầm tím, tay chân run rẩy, người xuất đầy mồ hôi, không làm chủ đại tiện, tiểu tiện... Nghĩa là khi người đó chết, phải chịu những cảm thọ đau khổ, những bức bách nơi thân. Người sắp lâm chung với tâm ác, tâm mất định tĩnh sẽ tái sanh vào một trong bốn ác thú.

3. Chết với tâm vô ký.

Người nào khi sanh tiền không tạo nghiệp lành cũng không tạo nghiệp ác, hoặc tạo nghiệp thiện ác ngang nhau, người này lúc sắp mạng chung tâm không nhớ, hoặc không có người khác làm cho nhớ lại nghiệp lực đã tạo. Lúc đó tâm người chết, chẳng phải thiện chẳng phải ác. Do vậy thân thể cũng không có biểu hiện an vui hay đau khổ khi chết.

Bấy giờ, chủng tử trong tàng thức sẽ hiện khởi, nếu chủng tử nào mạnh hơn, hoặc chủng tử nào hiện khởi đầu tiên, thì tâm sẽ nhớ đến, và tùy thuộc vào chủng tử lành hay dữ hiện khởi, mà người chết sẽ tái sanh về một trong các cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc, tương ưng với chủng tử thiện hay ác hiện khởi.

Tóm lại, người sắp mạng chung, nếu người tạo nghiệp ác, thức nương tựa sẽ bắt đầu xả từ phần trên, có nghĩa là từ trên đỉnh đầu, cảm giác lạnh theo thân mà khởi, như thế lần xả cho đến chỗ tim rồi xuống dưới. Nếu người tu nghiệp thiện, thức nơi chỗ nương gá sẽ bắt đầu xả từ phần dưới, tức từ dưới bàn chân, cảm giác lạnh theo thức mà khởi, như thế xả cho đến chỗ tim lần lên. Đến khi cảm giác lạnh lan khắp toàn thân, tức thần thức đã lìa ra khỏi thể xác.

II. KHÁI QUÁT VỀ THÂN TRUNG ẤM.
1. Thân Trung ấm là gì?

Tìm hiểu về trạng thái con người sau khi chết là tìm hiểu quá trình sanh hoạt về tâm sinh lý của thân Trung ấm.

a. Ba loại thân.

Mỗi con người chúng ta đều có ba thân, đó là thân Tiền ấm, thân Trung ấm và thân Hậu ấm. Thân Tiền ấm là thân hiện đời chúng ta đang có, là thân vật chất năm hay bảy chục ký lô này. Thân Trung ấm là thân sau khi chết, đang ở trong khoảng thời gian tìm kiếm một thân khác tương ứng để nương gá. Thân Hậu ấm là thân đời sau, tức là thân đã tái sanh vào một cảnh giới khác.

b. Tại sao Trung ấm được gọi là thân?

Đúng theo ý nghĩa của chữ thân là “tích tụ” thì sau khi thân này đã chết và chưa tìm ra chỗ đầu thai, trong giai đoạn này không thể gọi là thân được. Vì trong giai đoạn này chỉ có thần thức mà thôi, chưa có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp, và chưa có những nguyên chất khác để tạo thành. Tuy nhiên, trong giai đoạn này có thể tạm gọi là thân, vì nó có đủ sự thấy, nghe, hay, biết… nhưng đó chỉ là cái ảo ảnh do thần thức biến hiện, trong kinh Phật có chỗ gọi là “sắc công năng”, là cái thân do nơi chủng tử của thần thức hiện hành.

c. Các tên gọi sai khác.

Thân Trung ấm còn gọi là thân Trung hữu, Kiền đạt phước (Hương hành), Ý hành, Thú sanh...
Gọi là thân Trung hữu, vì thân này là thân quả báo ở khoảng giữa đời này và đời sau; nghĩa là sau khi rời thân Tiền ấm nhưng chưa thác sanh vào thân Hậu ấm, trong khoảng trung gian đó gọi là Trung, do vì quả báo thân này vốn có chẳng phải không, mà con người ai cũng phải gánh trả nên gọi là Hữu.

Hoặc gọi là Hương hành, do thân này luôn lần theo mùi hương mà đi, ngửi mùi hương để tồn tại, vì vậy đối với người chết khi cúng họ chỉ hưởng mùi hương mà no đủ. Gọi là Ý hành, do thân này lấy ý làm nương gá, để đi tìm chỗ đầu thai. Gọi là Thú sanh, do thân này ở một trong sáu cảnh luân hồi mà có.

2. Trường hợp nào thọ thân Trung ấm?

Thân thể con người vốn do tứ đại hợp thành, do vậy sắc thân khi “chết” là quá trình phân tán của tứ đại, còn phần tinh thần thì không mất mà tùy nghiệp thọ báo. Thần thức của con người sau khi lìa khỏi xác thân sẽ rơi vào một trong hai trường hợp sau.

a. Trường hợp không thọ thân Trung ấm.

Đối với người khi sanh tiền hay tạo các nghiệp nhân cực ác (như ngũ nghịch, thập ác), hoặc người khi sanh tiền đã tu rất nhiều công đức lành (tu mười điều thiện), hoặc người khi sanh tiền có tâm tín sâu, nguyện thiết, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương, hoặc người có công phu thiền định sâu mầu đã đoạn trừ được Kiến tư hoặc, những người đó sau khi chết không phải thọ thân Trung ấm.

Sở dĩ họ không phải thọ thân Trung ấm, bởi tội phước của họ đã xác định rõ ràng. Những hạng người này ngay khi vừa chấm dứt hơi thở, họ sẽ trực chỉ đọa vào địa ngục A-tỳ, hoặc sanh lên cung trời, hoặc vãng sanh về Tịnh độ của mười phương chư Phật, hoặc chứng đắc các Thánh vị.

b. Trường hợp thọ thân Trung ấm.

Đối với hạng người phổ thông bình thường, khi sanh tiền tuy tạo nghiệp nhưng không rơi vào một trong hai nghiệp cực thiện hay cực ác kể trên. Với hạng người trong tâm họ có nghiệp thiện ác lẫn lộn nên không thể xác định họ thuộc nghiệp ác hay nghiệp thiện, để định sẵn cảnh giới tái sanh tương ưng. Trong trường hợp này, thần thức của những chúng sanh đó phải trải qua giai đoạn thọ thân Trung ấm.

III. CẢNH GIỚI THỌ DỤNG CỦA THÂN TRUNG ẤM.

Chúng ta tìm hiểu cảnh giới thọ dụng của thân Trung ấm qua hai phần là sắc thân thọ báo và tâm lý thọ báo.

1. Sắc thân thọ báo.
a. Hình dáng.

Trung ấm có hai loại là hình sắc xinh đẹp và dung mạo xấu xa. Trung ấm có loại hai tay hai chân, có loại bốn chân, có loại nhiều chân, hoặc không chân. Đại để Trung ấm chuẩn bị tái sanh về loại nào thì có hình dáng tương đồng với chúng sanh loài đó.

Thân Trung ấm của hàng nhân thiên cõi dục, hình dáng bằng đứa bé năm bảy tuổi. Thân Trung ấm của chúng sanh cõi sắc lớn bằng thân bản hữu và có y phục, vì do có nhiều chủng tử tàm quý. Chúng sanh ở cõi vô sắc không có Trung ấm thân, bởi cõi này không có hình sắc.
Trung ấm chư thiên đầu hướng lên, Trung ấm người, bàng sanh và quỷ nằm ngang mà bay đi, Trung ấm của chúng sanh ở địa ngục đầu chúc xuống.

b. Ánh sáng và màu sắc.

Với người nào có thiên nhãn, nhìn vào ánh sáng phát ra của mỗi người, họ có thể đoán định được tánh chất của người đó là thiện hay ác. Trung ấm cũng thế, tùy theo nghiệp thiện hay ác, mà mỗi loài đều có những ánh sáng phát ra hoàn toàn không giống nhau. Đại để Trung ấm của kẻ tạo nghiệp ác ánh ra sắc đen hay xám như đêm tối, Trung ấm của kẻ tạo nghiệp thiện ánh ra sắc trắng như điện trong sáng.

Còn về màu sắc, Trung ấm của địa ngục sắc đen như than. Trung ấm của bàng sanh sắc nám như khói. Trung ấm của ngạ quỷ sắc đạm như nước. Trung ấm người và trời Dục giới sắc như vàng ròng. Trung ấm của chư thiên Sắc giới rất đẹp, màu tươi trắng sáng tỏ như ánh trăng rằm.

c. Thần lực.

Trung ấm có rất nhiều thần lực. Mắt của thân Trung ấm nhìn suốt xa như thiên nhãn không bị chướng ngại, thấy các Trung ấm khác và chỗ mình sẽ thọ sanh. Tai của Trung ấm rất thính, có thể nghe được những âm thanh cực nhỏ. Mũi của Trung ấm có thể ngửi được những mùi hương xa vạn dặm...
Trong giây phút, Trung ấm có thể bay vòng quanh giáp núi Tu di, lại có thể xuyên qua tường vách núi non không bị chướng ngại. Chỉ trừ hai chỗ Trung ấm không thể vượt qua được: một là bào thai mẹ vì nghiệp lực, khi Trung ấm đã vào rồi thì không thể đi ra được; hai là tòa Kim cang của Phật, do thần lực của Phật, Trung ấm không thể vượt qua được.

d. Thọ mạng.

Thọ mạng tối đa của thân Trung ấm là bảy ngày, nếu quá thời hạn bảy ngày mà chưa tìm được chỗ thọ sanh, Trung ấm sẽ chết đi rồi sống lại. Nhưng trong vòng 49 ngày, Trung ấm cũng sẽ tìm được chỗ thọ sanh. Trung ấm khi chết, do nghiệp lành hay dữ chuyển biến mà đổi thành thân Trung ấm loài khác.

Đại để Trung ấm khi sắp chết, tùy theo nghiệp thiện ác mà trong tâm thấy những tướng sai khác, khiến tâm thức mơ màng dường như trong mộng, bấy giờ khởi lên ý niệm muốn chết để sống lại. Khi chết tùy theo nghiệp mà có cảm thọ khổ vui, và sau đó tiếp tục sanh làm thân Trung ấm khác, để nối tiếp công việc tìm thân nào vừa ý để thọ sanh.

2. Tâm lý thọ báo.

Trong thời gian này, Trung ấm luôn ở trạng thái mờ mịt phiêu phiêu không định. Các ý tưởng buồn vui lẫn lộn làm cho thân Trung ấm luôn từ khổ đau sang hạnh phúc, thay đổi liên tục. Nói chung, thời điểm này tâm thức Trung ấm vô cùng thống khổ và bất ổn. Tựu trung tâm lý của thân Trung ấm có những sự diễn tiến như sau.

a. Hoài nghi, không biết mình đã chết hay chưa.

Thông thường con người sau khi tắt hơi thở, thần thức mới lìa khỏi thể xác, nếu chưa được giải thoát, đều phải trải qua một giai đoạn tối tăm, mịt mù từ ba đến bốn ngày, sau đó mới có cảm giác minh mẫn trở lại.

Trong thời điểm tối tăm, thần thức luôn ở trong trạng thái hoài nghi xen lẫn mơ màng, đắn đo tự hỏi: “Giờ phút này không biết ta đã chết hay chưa?” Đây là trạng thái đối chọi, giằng co giữa hai ý niệm tham sống và sợ chết của con người mà có. Sau khi qua khỏi giai đoạn tăm tối, mới xác định rõ mình đã chết.

b. Hoảng hốt, khi đi vào một thế giới xa lạ.

Khi sống con người đã có sự sinh hoạt với các cảnh quen thuộc, nhưng sau khi chết thọ thân Trung ấm, con người lại tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn xa lạ với cuộc sống thường nhật. Ở đó lại có những cảnh tượng quái dị, những âm thanh chát chúa... khiến thân thể bất an, tâm thức hoảng loạn...
Do vậy, tâm lý Trung ấm luôn sống trong trạng thái hoảng hốt, khi lạc lõng vào một cảnh giới mà mình không biết thực hư như thế nào. Chính sự hoảng hốt này là yếu tố làm cho con người rất dễ đọa lạc vào cảnh giới khổ đau.

c. Sanh lòng quyến luyến.

Trong Di-đà sớ sao dạy: “Ái bất trọng bất sanh Ta bà, niệm bất nhất bất quy Tịnh độ” (ái không nặng không sanh Ta bà, niệm Phật không nhất tâm thì không thể vãng sanh Tịnh độ). Chung quy, tất cả chúng sanh từ vô thỉ cho đến ngày nay, đều sanh ra từ ái dục, sống trong sự chi phối của ái dục, và cũng từ ái dục mà phải luân hồi trong các cảnh giới. Do ái dục chi phối, con người khi chết thường sanh các tâm niệm quyến luyến.

Hoặc do cảm thương thân phận của mình đã chết, mà sanh tâm đau buồn thương cảm. Hoặc nhân tham luyến vợ con, tài sản mà khó dứt trừ tâm thương yêu trói buộc. Hoặc do các tâm nguyện chưa thành đột nhiên cái chết lại đến, khiến bứt rứt ngồi đứng không yên. Hoặc do oan ức chưa kịp bày tỏ, khiến lòng đè nén bực tức mà không chịu nhắm mắt lại… Tất cả những tâm lý đó đã giày vò, làm cho Trung ấm vốn đã thống khổ lại chồng chất thêm không biết bao nỗi thống khổ khác.

d. Cảnh nghiệp hiện khởi.

Bấy giờ lại do nghiệp lực quá khứ chiêu cảm, lại có những luồng gió nghiệp cực mạnh thổi nát Trung ấm, lại có những ánh sáng chớp lòe như giông tố, khiến cho Trung ấm hoảng hốt sầu lo, lại có những âm thanh vô cùng chát chúa, khiến Trung ấm đinh tai nhức óc, lại có vô số loài ác quỷ hình thù kỳ dị, cầm giáo mác đến đe dọa mạng sống…

Tất cả những cảnh tượng rùng rợn ấy, đều do nghiệp lực chiêu cảm, khiến cho thân Trung ấm sợ muốn ngất, hoảng hốt không nơi nương tựa. Bấy giờ, Trung ấm chỉ mong cầu bà con người sống, tạo phước để cứu giúp mà thôi.

e. Nhận định hào quang.

Lúc đó lại có những luồng hào quang của chư Phật, và ánh sáng của lục phàm phóng đến. Hào quang chư Phật với những đại hào quang rực rỡ và mạnh mẽ, như hào quang sắc xanh chói lòa, hào quang sắc trắng trong sạch, hào quang sắc vàng trong như bóng ngọc, hào quang sắc đỏ mãnh liệt. Còn ánh sáng lục phàm thì yếu ớt hơn.

Ánh sáng của cõi trời thì hơi trắng, ánh sáng của cõi người thì hơi vàng, ánh sáng của cõi A-tu-la thì hơi lục, ánh sáng của cõi địa ngục thì như khói đen, ánh sáng của cõi ngạ quỷ thì hơi đỏ, ánh sáng của cõi súc sanh thì hơi xanh. Trong đó thân Trung ấm tùy nghiệp duyên với cõi nào thì ánh sáng của cõi ấy sẽ rực rỡ hơn. Nhân vì nghiệp duyên bất thiện của kẻ chết, thân Trung ấm phần nhiều chỉ thích ánh sáng của lục phàm hơn.

g. Phán xét minh ty.

Con người khi còn sống, mọi việc làm của mình lành hay dữ đều có ác thần hay thiện thần ghi chép. Thiện thần chuyên ghi các việc lành, ác thần chuyên ghi các việc ác. Sau khi chết, quỷ vương Chủ mạng sẽ tùy theo các việc ghi trong sổ mà tra xét, để xác định tội trạng của người chết.

Khi bị quỷ vương Chủ mạng tra xét tội, phần nhiều con người thường hay chối cãi: “Tôi khi sống không làm những việc đó”. Quỷ vương liền đem gương chiếu nghiệp ra, cho người tội nhìn vào, trong đó mọi việc làm lành hay dữ lúc sanh tiền đều hiện rõ trong gương, tội nhân phải cúi đầu nhận tội. Để rồi quỷ vương Chủ mạng căn cứ vào phước hay tội của người đó, mà đưa đi thác sanh vào cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc.

Cổ thi có câu: “Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt, kim nguyệt hà tằng kiến cố nhân”. Người xưa không thấy được vầng trăng ngày nay, người nay cũng không thể thưởng thức được vầng trăng ngày xưa, song vầng trăng đã chứng kiến được bao sự đổi thay của kim cổ. Và nếu gương trăng có được mối suy tư, chắc cũng sẽ tự hỏi: “Không lẽ đời người sanh ra, rồi chỉ biết lo giành giật mưu sinh để rồi chết trong đau khổ, vậy đâu là niềm hạnh phúc chân thật của kiếp người?”

Ưu tư của vầng trăng cũng là nỗi ưu tư ngập tràn của người nào có chút trí tuệ, của người nào không chấp nhận thân phận bọt bèo kiếp người, chỉ sanh ra để đấu tranh sanh tồn, và cuối cùng hoảng hốt mà chết. Tất cả những niềm khắc khoải về thân phận con người và đâu là hạnh phúc cứu cánh của đời người, đều được giải bày dưới ánh sáng trí tuệ của đạo Phật.

Hiểu được trạng thái con người chết như thế nào, và sau khi chết đi về đâu, để thiết lập cho bản thân một cuộc sống có ý nghĩa, có định hướng, là điều chúng ta cần phải tranh thủ làm trong những ngày còn lại ngắn ngủi trên cõi dương thế này.
( trich Hoi Bong Sen )
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:53am
Chết & Tái Sinh
( Death & Rebirth)
Thích Nguyên Tạng soạn dịch
Melbourne, Úc Châu 2002

---o0o---

01

CHẾT,

THÂN TRUNG ẤM VÀ TÁI SINH

---o0o---



1. CHẾT:

Qua sự huân tập và ảnh hưởng của tam độc tham, sân, si, ác nghiệp đã hình thành, thiết lập những mối liên kết với tâm thức qua những khuynh hướng có mục tiêu. Khi con người chết, nếu có những khuynh hướng như thế sẽ tiếp tục đầu thai trong vòng sanh tử luân hồi với thân và tâm được thừa hưởng từ sự tích lũy nghiệp thiện và ác ở kiếp sống vừa qua.

Một số người chết vì kiệt sức hoàn toàn, một số khác chết do hao mòn phước đức, chết không đúng thời điểm hay còn gọi là bất đắc kỳ tử.

Một người chết thường ở một trong ba trạng thái tâm: Thiện, Bất thiện và Vô ký. Trong trường hợp thứ nhất, người hấp hối có thể quán tưởng về Tam Bảo hay một vị thầy đức hạnh của mình, bằng cách đó tâm của vị ấy mới phát sinh tín tâm. Hoặc người hấp hối có thể nuôi dưỡng niềm hỷ lạc vô biên để thoát khỏi sự ràng buộc của những phiền não tham dục, luyến ái, thay vào đó bằng cách quán niệm Tánh không và Tâm từ bi. Ðiều này có thể tự người hấp hối làm hoặc qua sự trợ niệm của người khác. Nếu những yếu tố trên được nuôi dưỡng trong thời điểm hấp hối, một người chết với tâm thanh tịnh như thế thì việc tái sinh của họ sẽ được cải thiện. Ðây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết. Mặt khác, ta nên tránh đánh thức, quấy nhiễu người đang hấp hối, điều đó chỉ khiến cho họ nổi giận thôi. Ðôi khi người thân và bạn bè tập trung quanh tử sàng bày tỏ niềm tiếc thương và khóc lóc bi thảm, sẽ làm cho người hấp hối khởi tâm tham ái và quyến luyến. Nếu người chết với tâm niệm bất thiện như thế, sẽ đẩy họ đầu thai vào cõi xấu, điều này rất nguy hiểm. Trong bất cứ trường hợp nào, trạng thái tâm của người hấp hối bao giờ cũng quan trọng trước khi chết. Bởi vì ngay cả một người tu luyện tâm linh mà bị quấy rầy vào thời điểm ấy cũng làm cho phiền não phát khởi, chính trạng thái tâm này sẽ tạo ra ác nghiệp và đó là động cơ chính dẫn dắt người ấy tái sinh vào một cõi bất lợi như bao đường ba ác: Ð?a ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh. Vì thế, điều tối quan trọng cho cả người hấp hối lẫn người sống là tránh tạo ra những tình huống gây bất lợi cho tâm thức của người chết. Chúng ta cần biết điều này.

Những người chết trong trạng thái tâm thiện đều có cảm giác mình từ trong bóng tối thoát ra ánh sáng, loại bỏ sự khổ đau và đạt được hạnh phúc. Có nhiều trường hợp người bệnh rất nặng, đến lúc gần chết đã nói ra những điều tốt đẹp thoải mái thay vì nói đến căn bệnh của họ. Còn đối với người bệnh tuy nhẹ nhưng nỗi sợ hãi quá lớn, giai đoạn cuối cùng này tâm họ luôn hoảng hốt, nên có cảm giác mình từ nơi ánh sáng đi vào trong bóng tối và từ nơi hạnh phúc bị rơi vào cảnh khổ đau.

Một số người, thân thể ấm áp của họ đã bị suy yếu qua cơn bệnh nên họ trở nên khao khát muốn được hơi nóng, bằng cách này củng cố thêm cho khuynh hướng tái sinh của họ vào nơi như địa ngục nóng hoặc một nơi có khí hậu nóng. Những người khác thích cái mát lạnh, thích uống nước lạnh và khiến cho khuynh hướng tái sinh của họ hướng vào nơi như địa ngục hàn băng hay một nơi có khí hậu lạnh. Vì thế điều rất quan trọng là tránh khởi những ý niệm tham ái trong lúc chết và trực tiếp hướng tâm đến những điều thiện.

2. THÂN TRUNG ẤM :

Thân trung ấm (bardo/intermediate state) được hiểu nôm na là sự sống sau khi chết trước khi thần thức người ấy đi tái sinh vào một trong sáu cõi nào đó (Trời, Người, A tu la, Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh). Thân trung ấm là thân không có xác thịt mà chỉ lấy tư tưởng làm thân. Sau khi người ấy chết, thần thức thoát ra khỏi xác thì trụ lại ở thế giới trung gian này từ một đến bảy tuần lễ, rồi sau đó tìm kiếm một nơi thích hợp với nghiệp lực của mình mà đi tái sinh. Nếu trong thời gian này, thân trung ấm chưa tìm thấy một nơi tương ứng với mình để tái sinh thì nó lại chết đi sau mỗi bảy ngày, sau đó thần thức lại chuyển qua một thân trung ấm khác, chu kỳ sinh diệt này cứ lập lại cho đến khi thần thức đi tái sinh.

Trong thời gian ở lại với cõi trung ấm này, vào những ngày đầu, vong linh không nhận ra mình đã chết, họ quay lại gia đình để gặp những người thân nhưng không ai hay biết, họ hỏi thăm từng người nhưng không ai trả lời, họ cố gắng sinh hoạt trở lại bình thường như lúc còn sống nhưng không thể được, cho đến khi họ tự phát hiện ra họ không có bóng hình trên đất, không có ảnh trên gương, họ mới biết là mình đã chết. Giờ đây, họ lần lượt nhớ lại những thiện và ác nghiệp mà họ đã tạo ra trong đời sống vừa qua. Tất cả những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ đau trong suốt đời họ hiện ra trước mắt như một cuộn phim. Nếu là vong linh của người vốn từng tạo phước, tu tập tâm linh, thì luôn có những cảm giác yên bình, thanh thản và dễ dàng để tìm đường tái sinh vào cõi lành. Còn nếu những người từng tạo ra ác nghiệp, sống cuộc đời tiêu cực thì luôn đối mặt với những cảnh tượng khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi, thất vọng và chán chường. Họ lang thang một cách tuyệt vọng trong cõi trung ấm và muốn tìm một thân xác để tái sinh tương xứng với nghiệp lực của họ. Nếu thân trung ấm có tu tập và làm chủ được thần thức của mình, thì người ấy chọn lựa cho mình một cảnh giới tốt để tái sinh, ngõ hầu tiếp tục tu luyện hoặc vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh. Bằng như trái lại, thì không có sự lựa chọn nào, dù muốn hay không thì thần thức của người ấy cũng buộc phải thọ sinh vào một cảnh giới nào đó khế hợp với nghiệp lực của mình.

3. TÁI SINH:

Nếu được tái sinh trở lại cõi người, thần thức của người ấy thấy cha mẹ tương lai của mình đang nằm với nhau. Nếu người ấy tái sinh thành người nam thì phát khởi tâm muốn chiếm hữu người mẹ mà rất ghét người cha. Nếu tái sinh trở thành người nữ thì ngược lại, thần thức người khởi tâm muốn giao hợp với người kia, nhưng lúc ấy họ chỉ thấy bộ phận sinh dục của người kia (nam hay nữ) mà không thể thực hiện được, do đó họ nổi giận, chính cơn giận này đã làm chấm dứt thân trung ấm của họ và thần thức của họ được chuyển qua đời sống kế tiếp, bằng cách nhập vào bào thai của người mẹ và bắt đầu với hình dáng của một con người. Khi ấy tinh cha và huyết mẹ được kết hợp với thần thức của người ấy, họ tự nhiên và dần dần phát triển thành một con người.

Như đã nói ở trên, khi gần đến ngày tái sinh, thần thức của người ấy bị lôi kéo về nơi tái sinh tương lai, thậm chí nơi ấy là địa ngục. Ví dụ, một đồ tể nhìn thấy một con cừu, anh ta muốn đuổi bắt và giết chết nó, nhưng lập tức anh ta thấy bóng mờ xuất hiện, nên anh ta giận dữ, cơn giận đã làm kết liễu thân trung ấm và thần thức của anh ta rơi vào Ðịa ngục hay Súc sinh.

Sự chuyển tiếp sự sống từ đời này sang đời khác là nghiệp lực. Nghiệp (karma) có một năng lực cá biệt và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấu tạo tâm tánh của con người. Nghiệp được hình thành dưới sự tập hợp của tam độc tham, sân, si hay vô minh và ái dục. Chính vô minh (ignorance) và ái dục (desire) là cội rễ của mọi ác nghiệp. Do ác nghiệp này mà khiến cho con người trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Ðể thoát khỏi vòng tuần hoàn khổ đau này con người phải nỗ lực tu tập đoạn diệt cho bằng được cội rễ của vô minh. Khi vô minh bị tận diệt thì ái dục cũng bị tận diệt, ái dục diệt thì sinh, lão, bệnh, tử, sầu bi khổ ưu não cũng không còn, khi ấy con người mới thật sự thoát khỏi vòng vây của sinh tử luân hồi.



---o0o--- Delete Comment
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:46am
02

CUỘC HÀNH TRÌNH ÐI ÐẾN KIẾP SAU

---o0o---



Thượng tọa Pende Hawter, sáng lập Viện Dưỡng Ðường Tiếp Dẫn Karuna (Từ Bi) để chăm sóc người sắp lâm chung ở thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Ðại Lợi, đã thực hiện cuộc phỏng vấn các bậc Ðại sư Tây Tạng như Dalai Lama, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kirti Tsen-shab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, và Geshe Lamrimpa, về tiến trình hấp hối, chết và tái sinh của con người. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 5 năm 1995 tại tỉnh Dharamsala, miền Bắc nước Ấn Ðộ.

GIÚP ÐỠ CHO NGƯỜI HẤP HỐI

Hỏi: Xin cho biết cách nào tốt nhất để chúng ta có thể giúp đỡ cho người đang hấp hối và người vừa qua đời?

Ðức Dalai Lama: Khi gặp người đang hấp hối tuyệt đối tránh quấy rầy họ. Ð?c biệt là không làm cho họ nổi giận hoặc khóc lóc để họ sanh tâm quyến luyến. Ngược lại, phải nhắc nhở để họ hành trì, tu tập vào giờ phút cuối, ví dụ như quán tưởng hình ảnh của chư Phật, các vị thầy đức hạnh, Chúa Jésus, hoặc một lời dạy nào đó tùy theo tín ngưỡng của họ. Nếu người ấy không theo một tôn giáo nào, nên giúp đỡ cho họ chết trong thanh thản và yên bình.

Khi người ấy trở nên hôn mê, nếu là hành giả, thì nhắc nhở pháp môn mà họ công phu thường ngày, đặc biệt là lúc họ sắp ra đi. Kế đó tụng một số bài cầu nguyện. Nếu thân nhân muốn tốt cho người đang hấp hối thì tự tụng niệm hoặc cung thỉnh chư tăng về nhà để cầu nguyện cho họ. Trường hợp không có chư Tăng tiếp dẫn, người thân trong gia đình có thể tụng thần chú Om mani padme hum, hoặc những thần chú khác mà họ biết, để tiếp dẫn cho người chết. Sau tang lễ, gia đình tiếp tục thọ trì, tụng niệm đến ngày thứ 49 cho hương linh dễ dàng tìm lối tái sinh vào cõi lành.

Công việc mai táng thi hài còn tùy nghi theo mỗi nền văn hóa hay tập tục của người chết, điều này không mấy quan trọng, bởi vì một khi thần thức (consciousness) đã thoát thân thì xác chết ấy cũng giống như một đống đất. Tại một làng không theo Phật giáo thuộc miền Nam Ấn Ðộ, tập quán của họ là chôn cất thi hài rồi trồng cây lên mộ. Ðây là một cách để chấm dứt việc ô nhiễm không khí (air pollution) từ hỏa táng bằng củi đuốc, một tập tục thường thấy ở Ấn Ðộ, điều này còn tránh đi việc hủy diệt cây rừng, một tài nguyên quý giá của quốc gia. Ðây là một phương pháp tốt mặc dù nó không bằng như ở phương Tây nơi dùng điện để hỏa táng.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðối với người hấp hối và người vừa chết, cách tốt nhất mà bạn muốn giúp đỡ là phát khởi lòng bi mẫn của chính bạn hướng đến với người sắp lâm chung. Lòng thương yêu và bi mẫn của bạn rất có ích cho người hấp hối, vì nó phát khởi từ lòng bạn nên bạn dễ dàng tỏ bày cho người ấy lòng bi mẫn vô điều kiện mà người sắp chết rất cần. Lòng bi mẫn thật sự của bạn sẽ tạo ra một bầu không khí yên bình cho người hấp hối nghĩ đến chiều hướng tâm linh cao cả và con đường tu tập của họ trong tương lai. Một điều quan trọng khác là bạn đừng xa lánh và bỏ người đang hấp hối một mình. Chết là sự thật và là một nỗi sợ hãi ghê gớm nhất đối với con người. Do đó, bạn nên ở bên cạnh họ, hoặc cầm tay họ nói lời an ủi, hoặc nhìn vào mắt họ với niềm cảm thông. Thân thể cũng có ngôn ngữ yêu thương của nó, hãy sử dụng nó đừng sợ hãi vì e rằng họ hôi hám, dơ bẩn hoặc sợ họ bắt mình theo, nếu bạn thể hiện được những cử chỉ trìu mến như thế, thì bạn sẽ đem lại cho người sắp lâm chung niềm an lạc lớn nhất ở cuối cuộc đời họ.

Khi bạn chắc chắn người ấy đã chết, bạn vẫn duy trì lòng bi mẫn vô bờ của bạn và cùng với mọi người ở bên cạnh tử sàng mà tụng lớn danh hiệu chư Phật như Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Ðà hoặc danh hiệu 35 vị Phật v.v... Nếu bạn niệm Phật với lòng bi mẫn vô biên của bạn sẽ giúp cho người lâm chung một bước đường tái sinh.

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ nhất là người có tín ngưỡng. Thứ hai là người không theo một tôn giáo đặc biệt nào. Nếu người hấp hối là một Phật tử thì chúng ta tụng kinh và niệm Phật tiếp dẫn siêu độ cho họ. Nếu người ấy không theo tín ngưỡng nào thì điều tốt nhất để giúp đỡ họ là khuyên họ nghĩ đến những người tốt và những điều tốt đẹp nhất trên đời. Khi một người đang hấp hối và trong giờ phút bối rối ấy, không gì tốt hơn là đem lại cho họ cái cảm giác bình an và ấm áp của lòng người, cảm giác này rất có ích cho tâm thức của họ.

Tôi sẽ giải thích chi tiết về những gì để giúp đỡ hai hạng người này. Ðối với người theo đạo Phật, chúng ta có thể gợi cho họ hồi hướng về những gì mà họ từng quy y và tu tập. Chúng ta có thể nhắc cho họ nhớ về Bồ đề tâm, tỉnh thức tâm, thanh tịnh tâm và sự tập trung thiền định... Ðiều này rất có lợi cho một Phật tử. Ðối với người không có đạo, chúng ta có thể khuyên họ suy nghĩ rằng: "Cầu mong cho mọi người được hạnh phúc, cầu mong cho mọi sinh linh được an vui, cầu nguyện cho mọi chúng sanh thoát khỏi những khổ sầu của họ". Những ý tưởng muốn sự tốt đẹp đến với người khác, rất có ích cho người hấp hối.

Ðối với Phật tử lúc sắp chết, nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh của chư Phật, nhớ về hình ảnh của một vị Phật nào đó, có thể đặt một ảnh Phật trong phòng của họ... Ðiều này rất có ích và là điều kiện giúp cho vong linh tái sinh vào đất tịnh.

Ngay sau khi người ấy chết, điều rất quan trọng cần lưu ý là không được đụng chạm đến thi hài của họ để cho tiến trình chết không bị gián đoạn, tiến trình này chỉ chấm dứt khi thân trung ấm (Bardo/Intermediate state) hoàn toàn thoát ra khỏi thân xác. Ở Tây Tạng, người thân phải đợi 48 tiếng đồng hồ sau mới tiến hành tang lễ.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Nói chung, khi đã xác định người ấy sẽ chết, điều quan trọng là phải hoàn thành mọi ước nguyện của họ. Nếu họ tỏ ra luôn luôn giận dữ thì chúng ta nên làm cách nào để ngăn chặn cơn giận của họ, giữ cho họ luôn ở trạng thái thanh thản và yên bình. Nên tránh gây ồn ào và di chuyển đi lại thường xuyên bên người ấy. Nếu người hấp hối quá quyến luyến người thân, vợ (hoặc chồng), cha mẹ con cái, thì tốt nhất không cho những người thân này đến gần tử sàng. Hãy cố gắng làm điều này để chấm dứt lòng luyến ái của người hấp hối. Nếu xác định chắc chắn rằng họ sẽ chết, thì chúng ta nên cho họ những đồ ăn thức uống và các thứ mà họ đòi hỏi để họ vui lòng và thỏa mãn, ngay cả thức ăn kiêng cữ trong thời gian điều trị. Tuy nhiên, không được cung cấp độc dược và thức ăn có thể đe dọa đ?n mạng sống.

Nếu chúng ta cố gắng nói Pháp cho người hấp hối nhưng họ không thích nghe, thì tốt nhất là đừng nói, vì điều này tạo cho họ có ác cảm đối với Chánh pháp. Với ý nghĩ như vậy thì đời sau họ sẽ không thích gần gũi với Phật pháp.

Tương tự, nếu họ thích ăn uống mà mình không làm thỏa mãn ước muốn của họ, sẽ làm họ giận dữ và là nguyên nhân khiến họ đọa vào loài ngạ quỷ (hungry ghost).

Nếu một người tin tưởng vào sự giúp đỡ của người khác và cũng là người từng giúp đỡ kẻ khác trong đời này, chúng ta nên nhắc cho họ nhớ về công hạnh tốt của họ và khen tụng về việc tốt mà họ đã làm. Việc này làm tâm họ vui và họ sẽ tái sinh ở một nơi đầy hạnh phúc. Nếu chúng ta giúp cho ước nguyện của người hấp hối hoàn thành, thì họ sẽ rất mãn nguyện. Ðiều này ngăn ngừa sự trỗi dậy lòng tham ái, giận dữ, quyến luyến và những tâm tà kiến khác của người hấp hối, nhờ đó giúp họ tái sinh vào cõi lành mà không đọa vào cõi xấu.

Ðối với Phật tử và người từng thọ trì một pháp môn nào đó thì thật là thuận lợi nếu họ được chúng ta nhắc lại mười điều Phật dạy trước khi chết như sau:

1. Không nên khởi niệm tham đắm chấp thủ mọi dục vọng ở đời này. Nên cố gắng và tránh hướng tâm ái luyến đến người thân của mình, vì dẫu đời sau có gặp lại thì cũng phải chia lìa. Trong thời điểm hấp hối, ta phải bỏ tất cả mọi thứ lại phía sau. Ta cũng không nên chấp đắm tấm thân của mình, vì lúc chết ta phải rời bỏ nó. Ta không luyến tiếc các thứ như thức ăn, áo quần, nhà cửa, vì những thứ ấy cuối cùng cũng từ bỏ ta.

2. Ta nên phát khởi lòng bi mẫn và thương yêu đối với mọi chúng sanh.

3. Ta nên đoạn tận mọi phẫn uất và thù hằn, nếu không thì nó sẽ làm hại ta trong kiếp sau.

4. Tất cả các giới pháp mà mình thọ trì nếu đã vi phạm thì phải cố gắng sám hối cho thanh tịnh trước khi chết.

5. Ta phải phát tâm dõng mãnh trong đời vị lai sẽ thọ trì và giữ giới pháp thanh tịnh.

6. Ta phải cảm thấy đau xót về những ác nghiệp mà mình đã gây tạo cho người khác trong đời này và phải sám hối để dễ dàng tái sanh.

7. Ta phải nhớ đến những công đức mà mình đã làm trong đời này, những công đức của người khác đã làm và phát tâm sẽ tiếp tục làm trong vị lai.

8. Ta nên nghĩ đã đến lúc mình phải ra đi để đến đời sau, không có gì sợ hãi cả, vì đó là quy luật tự nhiên có sinh ắt có tử.

9. Phải quán thấy mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh và cũng do nhân duyên mà hoại diệt.

10. Ta phải quán thấy rằng mọi sự vật hiện tượng đều vô ngã để ta vượt thoát khỏi sầu và đạt được sự an lạc.

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Cách tốt nhất để giúp cho người hấp hối là lời nói và hành động của mình phải được thúc đẩy bởi lòng từ bi. Nếu có thể thì cung thỉnh các bậc thầy đức hạnh đến để làm pháp chuyển di tâm thức (transference of consciousness) cho người hấp hối. Pháp này Tạng ngữ gọi là Powa, được xem là một pháp tu đặc biệt có giá trị và hiệu quả nhất để giúp cho người hấp hối. Bạn quán tưởng hình ảnh đức Phật ở trên đầu người hấp hối. Quán tưởng những tia sáng chiếu rọi vào người sắp lâm chung làm sạch bản thể của họ, và quán thấy họ tan thành ánh sáng, hòa nhập vào ánh sáng của chư Phật. Việc chuyển di tâm thức có thành công hay không là còn tùy thuộc vào sức thiền định của người đang thực hiện pháp tu này. Pháp tu đặc biệt này không những dành cho người sắp chết mà còn có thể giúp tịnh hóa và chữa lành bệnh cho người còn sống. Các vị Lama vẫn thường dùng pháp này để cầu an thọ mạng cho người già yếu. Một số vị thầy cho rằng nên thực hiện pháp chuyển di tâm thức vào khoảng ngừng lại giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Nhiều người khác thì nói rằng nên thọ trì pháp này càng nhiều càng tốt sau khi người đó chết để hộ trì cho thân trung ấm của họ dễ dàng tái sinh.

Theo giáo nghĩa của Luật Tông thì nên hỏa táng thi thể càng sớm càng tốt sau khi chết. Nhưng theo Mật Tông thì tốt nhất là đừng di dời thân thể sau khi chết trong vòng ba ngàỵ

Hỏi: Người sắp lâm chung rất đau đớn về thể xác và hãi hùng với nỗi sợ chết. Phương pháp nào tốt nhất để giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi đó?

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: ? phương Tây người ta thường dùng thuốc phiện hoặc thuốc an thần để giảm cơn đau thể xác của người hấp hối và giúp cho họ chết trong bình an. Tuy nhiên theo Phật giáo thì con người cần phải chết một cách đầy đủ ý thức, có sự tự chủ và tỉnh táo càng nhiều càng tốt. Vì thế cần phải kiểm soát sự đau đớn để nó không thể che mờ ý thức của người sắp lâm chung, đó là điều kiện cốt yếu của việc làm giảm sự đau đớn về thể xác.

Thứ hai, làm gì để giúp người sắp chết vượt qua nỗi sợ chết? Trước hết, bạn phải thật bình tĩnh và chính bạn cũng phải vượt qua nỗi sợ hãi ấy. Khi giúp đỡ người hấp hối, bạn cần phải lưu ý từng phản ứng của chính bạn, vì phản ứng của bạn sẽ phản chiếu trên phản ứng của người sắp chết và nó sẽ góp phần rất lớn vào sự an ủi của họ hay tàn phá họ. Khi niệm Phật tiếp dẫn, bạn cần chú ý trấn an người hấp hối rằng trong giờ phút cuối cùng này họ sẽ đối mặt với vô số những cảnh tượng hãi hùng khác nhau mà lâu nay họ chưa từng biết, và điều đó khiến cho họ vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, bạn phải trấn an họ rằng đó chỉ là ảo ảnh hoàn toàn không có thật mà chỉ là sản phẩm từ ảo giác của người hấp hối. Nếu có thể hãy trao cho họ chuỗi ngọc Mani, hoặc một xâu chuỗi hạt của các thầy đức hạnh sẽ giúp đỡ cho họ vượt qua nỗi sợ hãi. (Chuỗi hạt ở đây là biểu tượng năng lực của bậc đạo sư).

Hỏi: Ðối với người không phải là Phật tử, họ không theo một tín ngưỡng nào, thì làm gì để giúp họ?

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðối với một người không tin hoặc không biết gì về đạo Phật, chỉ cho họ viên ngọc Mani cũng như an ủi và giải thích cho họ biết những cảnh tượng rùng rợn mà họ sắp thấy trong chốc lát chỉ là những ảo ảnh trong giấc mộng chứ không có thật. Nhờ sự dặn dò trước này, họ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi khi hấp hối.



---o0o---
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:42am
03

KHI NÀO THẦN THỨC CỦA NGƯỜI MỚI RA KHỎI THỂ XÁC?

---o0o---



Hỏi: Ở phương Tây, dấu hiệu thông thường của cái chết là chấm dứt hơi thở và tim ngừng đập. Còn theo Phật giáo thì phải mất bao lâu sau khi việc này xảy đến thần thức mới thoát ra khỏi thể xác?

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Có lẽ có hai hạng người cần xem xét ở đây. Thứ nhất, những người trẻ tuổi hoặc những người đã nằm chờ chết trong một thời gian dài. Hạng người này tâm thức rất tinh tế và thần thức của họ sẽ không lưu lại trong thể xác lâu, có thể chỉ một ngày thôi. Thứ hai là những người mạnh khỏe và cái chết đến nhanh, thần thức của họ lưu lại trong thể xác đến ba ngày.

Những cái chết khác như bất đắc kỳ tử(chưa đến thời điểm chết mà phải chết), chết vì tai nạn hay vì bạo lực. Chẳng hạn hai người đánh chém nhau, một người trong số đó chết đột ngột, thì thần thức của họ không lưu lại trong thể xác lâu. Nói chung, thời gian bao lâu tùy thuộc vào tâm thức nặng hay nhẹ của mình mà thoát ra khỏi thân xác sau khi chết.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Khi hơi thở dứt và tim ngừng đập, nó chỉ rõ rằng phần thô của thần thức đã tan mất. Tuy nhiên có nhiều trường hợp, phần tinh tế của tâm thức còn lưu lại trong xác thân người ấy hàng tuần lễ, thậm chí có lúc cả tháng. Nhưng hầu hết là phần tinh tế của tâm thức rời khỏi thể xác trong ba hoặc bốn ngày, trong thời gian này thi hài không bốc mùi hoặc thối rữa.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Chưa thể khẳng định rằng một người bình thường, sau khi chết thần thức của họ rời khỏi xác trong ba ngày sau đó. Nhiều người lưu lại lâu hơn, nhưng một số người khác thì trụ lại thời gian ngắn hơn. Có nhiều ví dụ điển hình trong số các vị Lama Tây Tạng. Như đức Lama Ling Rinpoche, thầy dạy học của đức Dalai Lama, thần thức của ngài đã trụ lại trong xác thân cả tuần lễ sau khi viên tịch. Ở trong cộng đồng người Tây Tạng, những trường hợp tương tự vẫn thường xảy ra.

Tóm lại, việc hỏa táng hoặc tiến hành tang lễ hay di chuyển thể xác tốt nhất phải đợi ba ngày sau. Tuy nhiên, ngày nay điều này khó thực hiện vì người ta sợ ô nhiễm, do vậy, nên làm phép chuyển di tâm thức trước khi động đến thể xác của người quá cố.

Hỏi: Trường hợp của những người chết vì bệnh quá nặng như ung thư và Aids (Sida) thì thần thức của họ có thoát xác nhanh hơn không?

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Ðiều này không chắc chắn lắm. Việc thoát xác sớm hay muộn không thực sự tùy thuộc vào người chết bị tai nạn hay bị bệnh nặng, mà tôi nghĩ rằng việc ấy có liên hệ mật thiết đến thiện và ác nghiệp của người mất. Ví dụ, đối với một người tu tập theo pháp Dzogchen hay một pháp nào khác thì sau khi chết họ tiếp tục quán tưởng Tánh không và thần thức của họ duy trì lại trong thể xác rất lâu, cho dù họ không hề luyến ái tấm thân ngũ uẩn này.

Hỏi: Các ngài có thể cho biết khi nào thì thần thức rời khỏi thể xác? Những dấu hiệu nào cho chúng ta biết rõ điều này?

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa chúng ta lại thảo luận về hai hạng người thoát xác sau khi chết. Bây giờ tôi sẽ không đề cập đến hạng người có thần thức lập tức thoát xác sau khi chết mà chỉ nói đến hạng người có phần tinh tế thần thức lưu lại trong thi thể nhiều ngày. Người ta nói rằng trước khi thần thức người ấy thoát ra khỏi xác thì trên thi thể họ sẽ có một điểm nóng được tụ lại duy nhất có màu đỏ hoặc màu trắng, điểm nóng tụ lại ở đâu thì thần thức sẽ thoát ra ở chỗ đó. Ví dụ, nếu điểm nóng hội tụ ở đỉnh đầu thì chúng ta tin rằng người ấy sẽ tái sinh vào cõi lành, điểm nóng tụ lại ở bàn chân thì chắc chắn người ấy sẽ đọa vào hạ giới. Dấu hiệu cho biết khi thần thức thoát xác sẽ có một ít máu chảy ra ở lỗ mũi hoặc tinh dịch thoát ra từ bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, có một số người không thấy dấu hiệu này, đó là những người chết đột ngột vì tai nạn hay bị bệnh tim. Dấu hiệu này chỉ tìm thấy ở những người có tiến trình chết chậm và lâu.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Hầu hết người nào bị chết vì bệnh nặng thì khi thần thức rời khỏi thể xác đều có dấu hiệu máu hoặc chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi hoặc bộ phận sinh dục. Khi thần thức thoát ra thì thể xác mới có mùi hôi. Ðức Dalai Lama thứ 14 từng nói chuyện với các bác sĩ nổi tiếng ở phương Tây về vấn đề thần thức rời khỏi thể xác khi bệnh nhân tắt thở. Các bác sĩ đã trắc nghiệm và nói rằng họ đã thấy một làn khói trắng nhỏ thoát ra từ một điểm nào đó trên thân của người chết. Kết quả này được kiểm tra bằng máy móc và phân tích thể xác một cách cẩn thận.

Những dấu hiệu như giọt máu hoặc nước vàng đều xảy ra đối với những người chết vì bệnh nặng. Tuy nhiên, thi thể người ấy thường được di chuyển quá nhiều trước khi thấy những dấu hiệu này, vì vậy những trường hợp như thế tuyệt đối không bao giờ xảy ra. Ở Tây Tạng, theo tập quán truyền thống phải giữ thi thể trong ba, bốn hoặc bảy ngày ngõ hầu giúp cho thần thức có đủ thời gian để thoát xác. Trong thời gian chờ đợi này, các lễ kỵ siêu cho người quá cố được tiến hành một cách nghiêm mật.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Bạn có thể biết khi thần thức thoát xác dựa vào sự biến đổi của thi thể. Khi thần thức còn lưu lại trong thể xác thì bạn cảm thấy người ấy chưa chết thật sự, nước da của họ còn tươi và sáng lạ thường, giống như họ đang nằm ngủ. Nhưng một khi thần thức đã thoát xác thì lập tức ta thấy thi thể thay đổi khác liền, nước da khô, tái xanh đi và bắt đầu có mùi hôi. Lúc ấy, bạn mới có cảm giác đó là một xác chết chứ không phải là một người nữa.

Những kinh nghiệm về làn khói hoặc giọt máu xuất ra khi thần thức thoát xác không phải lúc nào cũng nhìn thấy được, chúng ta chỉ gặp ở một số ít người. Trong số những người này, khi thần thức thoát xác, chất nước vàng chảy ra từ lỗ mũi và ở hạ bộ. Có một vị cao tăng Tây Tạng viên tịch, khi thần thức thoát xác, lỗ mũi của ngài liền chảy ra hai dòng chất dịch lỏng, một bên thì màu đỏ còn bên kia màu trắng.

Hỏi: Có đúng là cho đến khi thần thức thoát xác, thi thể mới bắt đầu có mùi hôi và có dấu hiệu thối rữa?

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Sự thật đúng như thế.

Hỏi: Khi một người chết nhưng thần thức vẫn còn lưu lại trong thể xác. Vậy người ấy có cảm giác gì không nếu bị người khác đụng chạm đến?

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Họ sẽ không có cảm giác gì cả. Khi phần khô của thần thức tan mất thì người ấy không còn cảm giác nữa. Ðối với các vị Tăng chứng đắc và người Phật tử có tu tập, khi chết, phần tinh tế của thần thức còn lưu lại trong thể xác, thì họ có thể chết ở trong tư thế ngồi thiền, đến khi thần thức thoát xác, thi thể của vị ấy mới ngã xuống.

Mấy mươi năm trước, khi những người Tây Tạng đầu tiên đến tỵ nạn tại tỉnh Buxa của Ấn Ðộ, một Phật học viện của Phật giáo Tây Tạng nọ, có hai vị tăng đánh nhau và một người chết. Sau đó, vì vụ này mà chính quyền Ấn và người dân địa phương chỉ trích rất gắt gao đối với người dân Tây Tạng, h? nói rằng các tu sĩ Tây Tạng chỉ biết chém giết nhau mà thôi. Về sau có một Lama đức hạnh tên là Gyari Rinpoche, đến từ tu viện Gender ở Tây Tạng, vị này đã viên tịch tại Ấn với tư thế ngồi kiết già trong bảy ngày; Người Ấn được mời đến chứng kiến cái chết lạ thường của vị Lama này và họ cố gắng giật mạnh khăn trải giường để làm cho thi thể của ngài ngã xuống, nhưng ngài vẫn ngồi thẳng như pho tượng, dù trải qua bảy ngày nhưng thể xác của ngài vẫn không có mùi hôi. Sau sự kiện này, quan điểm của họ về các Tăng sĩ Tây Tạng đã thay đổi hẳn, họ không còn phê bình, chê bai nữa.

Hỏi: Nếu đụng chạm và di chuyển thi thể trước khi thần thức thoát xác có ảnh hưởng gì đến tâm thức của người chết không? Vì ở trong bệnh viện, sau khi người hấp hối ngừng thở và tim hết đập, còn nhiều thủ tục khác chi phối đến tử thi. Sự can thiệp này có hại cho thần thức người chết không?

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Trước hết, nếu đó là một người tinh thông có năng lực thiền định, họ cố gắng luyện tập thiền định sau khi trút hơi thở, nếu ta lắc mạnh thi thể của họ vào lúc họ ở trong trạng thái thiền định thì sẽ khuấy rối tiến trình tập trung thần thức của họ. Do đó, tốt nhất là không đụng chạm đến thể xác họ trong thời điểm ấy. Ngay cả một người thường (người không có tu tập) cũng không nên đụng đến thi thể của họ cho đến ba ngày sau. Nếu một người đang ngủ say, nhưng ta lay mạnh thì họ sẽ thức giấc ngay, người chết ở đây cũng vậy, khi chạm đến họ, không có tác hại gì cho thể xác, nhưng có hại rất lớn đến thần thức của họ.

Thêm vào đó, nếu chúng ta buộc phải thay tấm khăn trải giường và nệm từ giường của người vừa chết cho sạch sẽ thì cũng nên thao tác nhẹ nhàng. Tương tự, nếu người chết còn mở mắt và hả miệng, nên yêu cầu một người thân trong gia đình đến trước tử thi bày tỏ lòng kính trọng cuối cùng rồi giúp họ khép mắt và miệng lại để trông dễ nhìn hơn. Ðối với những người bị dị tật, tay chân cong quẹo, lúc tẩm liệm phải kéo thẳng ra để dễ dàng đưa vào quan tài. Nhưng mỗi cử chỉ đối với người chết đều phải nhẹ nhàng và thực hiện ba ngày sau khi người ấy trút hơi thở cuối cùng.

Hỏi: Có lợi ích gì khi chúng ta chạm hoặc kích thích trên đỉnh đầu của người hấp hối và người chết, đặc biệt là người vừa chết?

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Khi một người vừa chết, chúng ta có thể sờ chạm vào đỉnh đầu của họ, đó là vùng huyệt đạo tốt nhất để thần thức thoát ra mà ngài Lama Je Tsong Khapa gọi là "chiếc cổng vàng". Do đó, bạn nên kích thích vào vùng đỉnh đầu, nếu thần thức của người chết thoát ra ngoài bằng đường này thì chắc chắn họ sẽ thác sinh vào cảnh giới an lành.

Nhưng nếu thần thức thoát ra bằng các đường ở hạ bộ, từ lỗ rốn trở xuống, người ấy sẽ thác sinh vào ác đạo, như cõi ngạ quỷ hay loài cầm thú. Vì thế, người Tây Tạng không bao giờ tiếp xúc phần hạ bộ của thi thể người chết, nếu ta chạm vào chỗ nào của họ thì thần thức sẽ tụ lại chỗ ấy mà thoát ra ngoài

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Tiếp xúc vào đỉnh đầu của người hấp hối được xem như là đang làm phép "chuyển di tâm thức" cho họ. Thực hiện phép này không phải là một vấn đề đơn giản, phải làm cẩn thận để giúp cho thần thức của người hấp hối tập trung ở đỉnh đầu, chỗ mái tóc giáp nhau, gọi là cửa Brahma. Nếu đầu của người ấy không bị sói thì chúng ta phải nhổ năm ba sợi tóc bên trên cửa ấy và dùng ngón tay trỏ cạo nhiều lần vào chỗ ấy, việc làm này nhằm giúp cho thần thức của người chết biết chỗ mà thoát ra ngoài. Kỹ thuật này cũng thường giúp cho chất nước vàng chảy ra từ cửa ấy, dấu hiệu đó chứng minh cho phép chuyển di tâm thức đã thành công.



---o0o---
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:40am
04

THẦN THỨC PHẢI Ở TRONG

TRẠNG THÁI TRUNG ẤM BAO LÂU

---o0o---



Hỏi: Sau khi thần thức rời khỏi thể xác và bước vào giai đoạn thân trung ấm giữa đời này và cuộc sống kế tiếp, phải mất bao lâu trước khi thần thức này gá vào một bào thai mới?

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Thời gian kéo dài trung bình để một người đi tái sinh vào một cơ thể mới là bảy tuần lễ. Cứ sau bảy ngày thì thân trung ấm chết đi và rồi tái sinh lại trong một thân trung ấm khác cho đến khi nó bắt được liên lạc với cha mẹ tương lai mới đi tái sinh. Tuy nhiên có nhiều người sau khi chết chỉ mất hai giây họ đã đi tái sinh vào cảnh giới khác.

Lý do tại sao thần thức phải chịu đựng trong tiến trình trung gian sinh và tử giống như ma quỷ này? Vì do nghiệp thiện và ác của người ấy gây tạo đời trước sẽ quyết định dẫn dắt họ đến nơi thích hợp, do đó phải cần có thời gian nhất định để tìm kiếm cho một đời sống tương lai.

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Bốn mươi chín ngày là thời gian dành chung cho tất cả mọi người, nhưng có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ. Thông thường khi một người đang hấp hối, chúng ta đọc kinh cầu nguyện hoặc nhắc nhở, họ đ?u nghe thấy, thậm chí người bất tỉnh cũng thế. Ðối với vong linh trong cõi trung ấm cũng có khả năng nghe, cảm nhận và hiểu được khi chúng ta đọc sách "Tử thư Tây Tạng" (Tibetan Book of the Death) để cảnh tỉnh họ. Vì thế, trong bảy tuần lễ đầu sau khi chết là thời gian rất quan trọng để cho người sống làm mọi việc có thể giúp sức tái sinh cho người chết.

Còn thần thức của những bé chết trước khi sinh (bị sẩy thai), trong lúc sinh hoặc tuổi còn nhỏ, sẽ đi qua các trạng thái trung ấm một lần nữa và nhận thấy một hiện hữu khác. Cha mẹ của họ cũng có thể tạo phước (meri-forious acts) để hồi hướng công đức cho vong linh hoặc thực hiện các pháp dành cho người chết như thọ trì thần chú Kim cương Tát đỏa một trăm âm (Hundred - syllable mantra of Vajrasattva), đủ túc số 100 biến, cúng dường đèn, bố thí, phóng sinh các loài vật... để giúp cho thần thức của hài nhi đó được nhẹ nhàng và dễ dàng tìm lối tái sinh.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Không thể xác định thời gian chính xác là bao lâu. Nếu một người không phải tái sinh vào cõi người thì họ liền thác sinh đến cõi khác chứ không qua giai đoạn thân trung ấm. Nhưng nói chung một người có thể ở trong cõi trung ấm trung bình là 49 ngày, có người ở một ngày, bốn ngày và có khi bảy ngày... Trong thời gian trụ lại trong trung ấm thân, vong linh tìm kiếm một đời sống tương lai khế hợp với nghiệp của mình để tái sinh.

Ðại sư Gerje Khamtul Rinpoche: Ðối với một số người thời gian dài nhất là bảy tuần lễ, nhưng có một số khác chỉ ở trong thân trung ấm ba ngày. Phần lớn mọi người đều phải đầu thai sau hai mươi mốt ngày.

Không phải ai chết cũng qua giai đoạn thân trung ấm. Có một số người tu tập chứng ngộ, có một đời sống phạm hạnh và lợi lạc, khi chết họ trực tiếp tái sinh vào cảnh giới tốt lành chứ không qua giai đoạn trung gian này. Một người phạm tội ngũ nghịch (giết cha mẹ, phá hoại chánh pháp...), hoặc có một đời sống tiêu cực, ác độc... thì sẽ đọa liền vào địa ngục, hoặc một cõi xấu nào đó chứ không qua giai đoạn thân trung ấm.



---o0o--- Delete Comment
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:39am
05

QUAN ÐIỂM CỦA PHẬT GIÁO

VỀ VIỆC TỰ SÁT

---o0o---



Hỏi: Xin cho biết quan điểm của Phật giáo như thế nào về vấn đề tự sát?

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Ðối với người Phật tử, tự giết mình là một tội rất lớn. Vì sao? Bởi vì có được thân người là một trong những điều khó và làm bị thương hoặc hủy diệt thân ấy là một điều sai lầm rất lớn. Tự tử thường bắt nguồn từ kết quả của những cơn nóng giận. Chỉ có giận dữ người khác mà không làm gì được nên trở lại giết chết mình. Ðối với một người không theo đạo Phật cũng thế, tự tử là một hành vi đáng trách và tội lỗi. Sau khi chết, thần thức của họ không có một nơi nào khác là phải lao theo nghiệp ác của mình. Vì thế chúng ta phải nghĩ cách làm thế nào để giúp họ vượt qua những cơn khủng hoảng tinh thần và nỗi khổ đau của họ. Ở trong tình trạng rối loạn, bế tắc và tuyệt vọng, cơn khủng hoảng trầm trọng này có thể đẩy con người đến chỗ tự sát.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Nhà Phật cho rằng tự tử là một điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm. Ðây là một hành động tiêu cực khiến cho thần thức của kẻ ấy gặp khó khăn trong việc tái sinh. Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng thì có hàng trăm vị nam và nữ thần ở trong thân của chúng ta, nếu phạm vào tội tự sát, đồng thời ta cũng giết cả họ. Còn theo Phật giáo Ðại Thừa thì dưới chân của mỗi sợi tóc thì có hàng ngàn tế bào sống khác..., khi ta giết ta thì đồng thời ta cũng hủy diệt chúng.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Theo Phật giáo thì tự tử là một hành vi tiêu cực và là nguyên nhân khiến cho thần thức của người ấy rơi rớt vào cõi xấu.

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Khi một người tự tử, thần thức của họ thường phải đi theo nghiệp xấu của mình, rất có thể họ sẽ bị một ác ma bắt lấy và chiếm đoạt sinh lực. Ðể giúp cho những người này, các vị thầy có năng lực phải làm nhiều lễ cầu siêu đặc biệt như năm cuộc lễ và những nghi thức khác để siêu độ thần thức cho người chết.

Hỏi: Trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam, có nhiều Tăng sĩ đã tự thiêu, với động cơ là làm cho thế giới chú ý đến nỗi khổ đau chiến tranh ở VN. Việc tự thiêu của họ phải chăng là hành vi tiêu cực?

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Các vị Bồ Tát được phép thực thi một số hành vi mà người thường cho đó là tiêu cực. Tuy nhiên, Phật giáo Nguyên thủy phản đối hành động này, vì thế tự tử luôn được xem là hành vi tiêu cực trong truyền thống này. Nếu bạn phân tích kỹ hơn, xem động cơ khiến các vị Tăng này tự thiêu là gì thì chúng ta mới phán xét là tiêu cực hay tích cực. Trong một bộ kinh của Phật giáo có ghi lại câu chuyện về một vị Tỳ kheo trẻ bị một phụ nữ ép buộc phải lấy bà ta. Vị này biết rõ rằng nếu mình chịu lấy thì sẽ phá bỏ giới luật; mặt khác, nếu không chịu lấy, bà ta sẽ vu khống rằng mình đã có những hành vi tồi bại. Vì thế, để giải quyết tình cảnh bế tắc này mà không phạm giới, vị ấy quyết định tự kết liễu đời mình. Suy nghĩ như thế rồi, vị ấy giả vờ đồng ý và nói với bà ấy đợi một chút. Vị ấy vào phòng trong, đóng cửa và tự đâm vào cổ họng mà chết. Trước khi tắt thở, vị ấy kính lễ mười phương Tam Bảo và nói rằng: "Vì tôn kính Tam Bảo và gìn giữ giới hạnh mà con quyết định từ bỏ thân này".

Trong Kinh nói đây là hành vi tích cực và có công đức. Nếu trường hợp các Tăng sĩ Việt Nam vì động cơ muốn cứu vãn Chánh pháp của đất nước họ không lún sâu vào chiến tranh, vì một động cơ cao cả như thế thì hành vi tự thiêu của họ không thể cho là tiêu cực mà phải được xem là hành vi của các vị Bồ Tát.

Hỏi: Quan điểm của Phật giáo như thế nào về việc chấm dứt mạng sống trước khi người ấy chết? Bệnh nhân yêu cầu để cho họ chết tự nhiên bằng cách không dùng thuốc hay những phương pháp y học nào đó vì họ quá đau đớn về thể xác và tinh thần trong khi việc điều trị không mang lại kết quả.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Trong trường hợp này rõ ràng bạn muốn đem lại lợi ích cho người khác, chấm dứt sự đau đớn của họ. Tuy nhiên, cần phải xem xét cẩn thận chứ đừng nên hành động thiếu suy nghĩ, bởi vì giết một mạng người là một tội ác, vì vậy, dù đau đớn dữ dội, thay vì để cho họ chết thì cố gắng dùng hết khả năng để điều trị cho họ, có thể cho họ uống thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần chẳng hạn. Mặt khác, nên nhớ rằng thân người rất khó khăn mới có được. Do vậy, các nhà điều trị phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định việc này.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Người ta nên tiếp tục chữa trị để giữ mạng sống cho họ. Nếu người ấy chết với trạng thái tâm giận dữ, bất an, tiêu cực hay hôn mê thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu thai và sẽ gặp bất lợi cho đời sống tương lai của họ. Tuy nhiên, nếu cho họ uống thuốc để rút ngắn mạng sống thì cũng không thích hợp.

Hỏi: Ðôi khi họ muốn được chết thì sao?

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Họ muốn chết trước thời hạn, bởi vì họ không chịu đựng nổi sự đau đớn ngay trong đời này. Nhưng họ đâu biết rằng nỗi khổ đau ấy họ vẫn phải đối mặt trong đời sau, vì thế, tốt hơn hết nên giúp họ điều trị.

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Sử dụng máy móc để kéo dài mạng sống của một người không còn cơ may lành bệnh là điều vô lý và hãi hùng. Tốt hơn cứ để cho họ chết một cách tự nhiên trong bầu không khí yên bình. Khi sử dụng máy móc mà không có hy vọng hồi phục cho người bệnh thì việc chấm dứt điều trị bằng máy không phải là tội ác. Rõ ràng không cần thiết để kéo dài sự sống nhân tạo cho họ. Theo cách nhìn của nhà Phật, thì chúng ta nên làm bất cứ điều gì có thể để trợ giúp cho người ấy đối phó với sự xuống tinh thần trong giờ phút đau đớn và sợ hãi, đem lại cho họ niềm bình an vào phút cuối của cuộc đời.



---o0o--- Delete Comment
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:36am
06

HIẾN TẶNG THỂ XÁC CÓ TỐT KHÔNG?

---o0o---



Hỏi: Ở phương Tây, hiến tặng những bộ phận trong cơ thể người vừa chết là việc bình thường, như hiến tặng cặp mắt, quả thận để cho người khác, việc làm này có ảnh hưởng hay làm trở ngại gì cho thần thức của người chết không?

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Việc hiến tặng thi thể là một điều tốt, bởi vì nó phát khởi từ động cơ làm lợi lạc cho người khác với lòng bi mẫn chân thật. Và một khi nó là ước nguyện cuối cùng của người chết thì tuyệt nhiên không có ảnh hưởng hoặc có hại gì cho thần thức của họ khi họ rời bỏ thể xác. Trái lại, việc làm tích cực này sẽ góp phần tạo thiện nghiệp cho người ấy trong đời sống vị lai.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Nếu một người muốn hiến tặng thi thể của họ thì nên lấy những bộ phận cần thiết ấy sau khi người đó chết. Ðiều này không có gì ảnh hưởng đến tiến trình thần thức thoát xác và tái sinh của họ.

Hỏi: Có nhiều trường hợp nếu các bộ phận của thi thể được lấy đi mà thần thức của họ chưa rời khỏi thể xác thì sao?

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Ðiều này tùy thuộc vào lòng bi mẫn và ước nguyện của người chết. Nếu người ấy đã từng bày tỏ nguyện vọng bố thí lớn lao đó một cách chân thành, thì có thể lấy đi những bộ phận cần thiết ngay cả trước khi tim ngừng đập, cũng không có hại gì cho thần thức.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Như tôi đã nói trên, thần thức sẽ rời khỏi thể xác khi ta đụng chạm đến thi hài của họ, chẳng hạn như ta kích thích vào vùng đỉnh đầu để chỉ dẫn cho thần thức thoát ra. Một khi thần thức đã ra rồi thì bạn có thể lấy đi những thân phần cần thiết. Do đó, nên lưu ý giúp người chết làm phép chuyển di thần thức trước khi lấy những thân phần của họ.

Hỏi: Còn phương pháp đông lạnh (Cryonics) thi hài sau khi chết thì sao ?

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Việc ấy hoàn toàn vô nghĩa, không đem lại một lợi ích nào. Thần thức người ấy không thể quay lại thi thể một khi người ấy đã chết thật sự.



---o0o--- Delete Comment
Comment by Minh PQ on March 14, 2009 at 8:35am
07

LÀM GÌ ÐỂ CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT?

---o0o---



Hỏi: Có phương pháp nào tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mình không?

Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche: Phương pháp tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mỗi người là nên tu tập tâm linh trong suốt cuộc đời mình.

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Một lần nữa tôi phải đề cập đến hai hạng người, thứ nhất là tín đồ theo đạo Phật, thứ hai là những người không có đạo.

Ðối với hạng người thứ nhất đã từng quy y và tu học theo Chánh pháp, khi họ biết rằng cái chết đang đến với họ thì đó là thời gian giúp họ tinh tấn hơn trong việc tu tập của mình.

Ðối với hạng người thứ hai, chưa hề nghĩ gì về con đường đạo trong cuộc đời họ, nên khuyên họ cố gắng phát khởi tâm đạo, tâm đạo ở đây nghĩa là suy nghĩ về điều tốt, nghĩ và cầu mong điều tốt đến với người khác. Ðây là cách tốt nhất dành cho những người không có đạo chuẩn bị cái chết.

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Giống như ta đi đến một nha sĩ, đó là điều không ai tránh khỏi, việc cuối cùng cũng phải xảy ra, chết cũng thế, vì vậy có gì tốt đẹp bằng nếu ta bắt đầu suy nghĩ về nó ngay bây giờ. Ð? biết rõ về cái chết ta nên hỏi các bậc thầy của mình, những người có kiến thức về cái chết, các ngài sẽ cho chúng ta biết con người sẽ chết như thế nào. Nếu ta có những hiểu biết như thế, ta thật sự không sợ chết và nó sẽ giúp đỡ ta rất nhiều.

Ðại sư Geshe Lamrimpa: Nếu một người đang chuẩn bị một nơi tái sinh hạnh phúc thì sẽ loại bỏ tham sân si và tịnh hóa mười ác nghiệp nếu đã phạm phải trong quá khứ, bày tỏ sự hối tiếc và lập nguyện không vi phạm giới pháp trong tương lai. Ðây là lời dạy chung cho tất cả mọi chúng sinh. Ðối với một người đã thọ giới để tu hay một hành giả Mật giáo, họ phải sám hối và tịnh hóa tất cả giới luật và lời phát nguyện mà họ đã phá bỏ.

Mặt khác, nếu muốn đời sau giàu sang thì phải thực hành pháp bố thí, muốn được hạnh phúc thì phải giữ giới hạnh, muốn được trường thọ nên tránh sát sinh, muốn được ngưỡng mộ và tôn kính phải tu pháp nhẫn nhục. Muốn giải thoát thì tu tập sáu hạnh của Bồ Tát, v.v... Nói chung, nếu chúng ta loại bỏ hết ác nghiệp, tịnh hóa hết tất cả nghiệp chướng và hướng đến hành vi công đức, tạo cho ta có một sức mạnh hỷ lạc về nội tâm. Khi cái chết đến với ta, chính năng lực công đức và giới hạnh ấy sẽ tiếp sức cho ta đi tới một đời sống khác an toàn và hạnh phúc. Ðó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết của mọi người.

Hỏi: Ở trong Phật giáo có một vài phương pháp thiền quán niệm về cái chết và kể lại tiến trình chết. Loại thiền này có lợi ích gì không ?

Theo triết học của Phật giáo, phương pháp thiền quán tưởng về cái chết là nhắm vào mục đích để ta ý thức được cuộc đời là vô thường và ta sẽ trở nên quen thuộc với những diễn biến khác nhau về cái chết mà con người sẽ phải đi qua. Ðiều đó rất có ích. Trong pháp tu này, hành giả biết rõ những dấu hiệu xảy ra trong tiến trình đưa đến cái chết như sự suy yếu của sáu giác quan, và sự tan rã dần của thân tứ đại... Rồi tiếp đó, ta cũng nhận ra rằng khi ta tái sinh vì sự hỗn hợp giữa tinh cha, huyết mẹ và thần thức của ta; một lần nữa, ta lại thấy cái chết đến với ba thứ này, tiến trình sinh tử này không dứt cho đến khi ta giác ngộ. Theo triết học Phật giáo Tây Tạng thì luyện tập quán tưởng về cái chết là một pháp tu rất quan trọng.

***



CHỦ NGHĨA VỊ THA

LÀ TRÁI TIM CỦA PHẬT GIÁO

Hỏi: Ở phương Tây, nhờ Phật giáo mà trong những năm gần đây có sự phát triển rất nhanh về phong trào thiết lập những Tiếp Dẫn Ðường để chăm sóc cho những người sắp lâm chung. Các ngài có nghĩ rằng chúng ta có thể đem lại lợi lạc cho người chết không?

Ðại sư Garje Khamtul Rinpoche: Tôi cho rằng phong trào này rất tốt bởi vì người phục vụ và người được chăm sóc đều biết rõ mình cuối cùng cũng đi đến cái chết, do đó khi còn sống trên đời này họ cố gắng làm mọi điều tốt đẹp và nhất là giúp đỡ những người sắp lâm chung. Giống như khi bạn đi máy bay, biết rằng bạn đang ở trên không trung và có cảm giác sợ hãi. Nhưng khi bạn thấy xung quanh có đủ tất cả những tiện nghi để giúp đỡ bạn thì bạn cảm thấy như mình đang ở nhà, bạn cảm thấy hạnh phúc về điều đó. Tóm lại, tôi thấy rằng các Tiếp Dẫn Ðuờng ở phương Tây rất tốt, vì nó giúp cho người sắp lâm chung cảm thấy an toàn, tự tin và không sợ hãi nữa.

Ðại sư Kirti Tsenshab Rinpoche: Ý tưởng thành lập các dưỡng Ðường Tiếp Dẫn cho người sắp lâm chung là biểu trưng cho lòng bi mẫn vô biên của chúng ta đối với người sắp chết. Ðây là một phong trào rất tốt mà tôi cho rằng phát triển nhiều Trung tâm thêm chừng nào tốt chừng ấy. Ở phương Tây xưa nay không quan tâm đến vấn đề tu tập tâm linh, nên người sắp chết rất cần sự nâng đỡ về tinh thần ở cuối đời, điều này giúp cho họ có một sức mạnh nội tâm để vượt qua nỗi hãi hùng của cái chết.

Cuối cùng, trái tim của Phật giáo là lòng vị tha, nghĩ đến người khác và giúp đỡ cho họ. Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đem lại sự an ủi, nâng đỡ tinh th?n cho họ mà xã hội đã một thời bỏ rơi và thiếu quan tâm.

Từ đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn Thầy (người thực hiện cuộc phỏng vấn này) rất nhiều và tôi phải nói rằng Thầy đừng nghĩ rằng mình đang đơn độc với trong công việc này. Vì tất cả những gì mà Thầy đang làm hiện nay là đại diện cho một đường hướng hoạt động của Phật giáo trong thời hiện đại. Chư Phật, Bồ tát và các vị Thiên thần Hộ pháp luôn ủng hộ và luôn ở phía Thầy.



---o0o--- Delete Comment
Comment by Minh PQ on March 13, 2009 at 12:59am

Comment by Minh PQ on March 13, 2009 at 12:57am

 

Members (2)

 
 
 

Share Knol Stuff Please!

Blog Posts

Artistic Vision

Posted by Stacy Esch on November 6, 2023 at 8:15pm 10 Comments

Is an artist's "vision" primarily a product of experience or imagination? I don't want to pursue the simple answer that it's both. Is it primarily one or the other, of if it's just plain old both, how do they interact to create an imaginary world?

Is it true that some people have more artistic vision than others, or is this kind of seeing equally available to all?

Trying to find treatment.

Posted by Clare Davis on November 6, 2023 at 8:15pm 0 Comments

In the beginning of August 2008 I was doing great. I went to the gym 3 times a week for 3 hours each time. I had lost weight and had a nice tone coming. I was nicely tanned with some help of the tanning beds. I rode my motorcycle back and forth to work and to the gym. In the middle of August a leg press came down on top of my head while i was trying to get it reset to the proper location so I would be able to use the equipment. I got very dizzy and had to go home, that was the end of my…

Continue

Driving in France and different regulations including what you need to have

Posted by Martyn Davis on November 6, 2023 at 8:14pm 0 Comments

Driving through France can be a fantastic experience which you can never forget, and as always the rules and regulations between countries can differ, which is where we've composed a small list to help keep on the right side of the law and to help keep you safe!

Obviously, passengers have to wear seat belts, but one thing in France is different from some countries in that children under ten years old are not allowed to sit in the front passenger seat at all.

Another is, even if…

Continue

Making Juices In your own home: A Beginners.

Posted by Tory Tilley on November 6, 2023 at 8:13pm 0 Comments

Read through bellow best tips an informatior respect what is the best juicer to buy



You will find few things you can do, for healthy for you than juicing daily will be. The juice naturally hydrates the body. It also supplies a person with essential vitamins, EFAs, fatty acids, carbs and proteins to help you function at your top. Read these tips to make juicing easier.



Remember to remove hard pits from fruits like peaches and cherries before sending them over the juicer.…

Continue

dieta DUKAN PER

Posted by Jeanett Seale on November 6, 2023 at 8:13pm 0 Comments

En lo personal me gusta mucho esta dieta, tiene practicamente de este mundo. Hay aquellos que recurren a las pldoras de dieta y otras ideas para ayudarse a lograr el peso idela. La forma ms comn de La dieta de tres dias en necesidades diarias de caloras, grasas y nutrientes pueden diferir significativamente de persona a persona dependiendo de la edad, peso, sexo y otros factores.



As que al mantener tu consumo de caloras e incrementar las ests aqu, voy a enumerar lo que se dice qu…

Continue

Remember The Ramifications Of A UK State.

Posted by Yolanda Bruner on November 6, 2023 at 8:12pm 0 Comments



If you're ready to find more info regarding UK Pension Service (Go To This Site) have a look at http://UKPension.co.za

How You Can Watch Watch Programs Online

Posted by Nickolas Caraballo on November 6, 2023 at 8:11pm 0 Comments

Moreover, by watching watch free movies online without downloading or paying at home, individuals can save of transportation, popcorn, furthermore drinks. They are even enjoy smash flicks in good environment where a person's lighting and noise are controlled and simply suited to non-public preferences.



Movie pictures nowadays, are completing different shapes and colours. Centuries back, before the formulation of movies, women and…

Continue

Raspberry Ketone & Fat Loss

Posted by Samuel Dunlap on November 6, 2023 at 8:11pm 0 Comments

raspberry ketone



Consider everything you are going to eat for the entire day. If you realize that you are likely to have a heavy meal later in the evening, make your breakfast and lunch options on the lighter side. Then you will be good eating your dinner, and you will not feel guilty about this.







renowned doctor reveals what works for weight loss -… Continue

Nike Roshe Run Mens Gold Pink

Posted by Fina on November 6, 2023 at 8:10pm 0 Comments

Common Engines as well …

Continue

Hyderabad Moving Agencies – How to locate Proper One

Posted by Sanjeev Saxena on November 6, 2023 at 8:10pm 0 Comments

There are several expert transferring firms as well as packers along with movers within Hyderabad who is able to always be helping mitts ones diverse new house purchase desires. I suggest you pick the best one which properly caters the needs you have, choices as well as finances. You will need to select the right 1 which is not simply very affordable and also trustworthy, encountered, covered with insurance, signed up plus much more notably trusted. Nevertheless finding out there the most…

Continue

Knol Video


Badge

Loading…

© 2024   Created by knolstuff.   Powered by

Badges  |  Report an Issue  |  Terms of Service